Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Phú Giáo khoảng 688ha, là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian gần đây, bệnh vàng lá gân xanh (vàng lá Greening) xuất hiện và gây hại trên vườn cây ăn quả có múi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Giáo đã phối hợp Hội Nông dân, Cộng tác viên giám sát mùa màng xã Tam Lập, và xã Phước Hòa tiến hành điều tra lấy 04 mẫu tại hai vườn bưởi da xanh có biểu hiện nghi ngờ nhiễm vàng lá Greening (02 mẫu Công ty cổ phần Nông Lâm Nghiệp Bình Dương thuộc xã Tam Lập; 02 mẫu hợp tác xã Bông Trang thuộc xã Phước Hòa), gửi phân tích tại Trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh. Kết quả Mẫu lá bưởi da xanh hợp tác xã Bông Trang phát hiện vi khuẩn Liberobacter spp.
Để hạn chế sự lây lan bệnh trên diện rộng làm ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Phú Giáo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo tới người nông dân trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện cách nhận biết và phòng chống bệnh vàng lá gân xanh (vàng lá Greening) như sau:
1.Nguyên nhân bệnh
- Bệnh do vi khuẩn Gram âm Liberibacter spp sống trong mạch dẫn của cây gây ra
- Bệnh lan truyền qua hai đường:
+ Vi khuẩn gây bệnh nằm trong mô libe của cây mẹ đã mang mầm bệnh ,khi nhân giống bằng các phương pháp chiết, ghép vô tính, gốc ghép, mắt ghép thì cây con sẽ bị bệnh. Mầm bệnh nằm trong mắt ghép hay cành chiết sẽ thể hiện triệu chứng sau 8-15 tháng sau khi trồng.
+ Môi giới truyền bệnh là rầy chổng cánh: Chúng chích hút trên cây bị bệnh, vi khuẩn sẽ được giữ lại trong tuyến nước bọt, khi rầy chích hút cây khỏe sẽ truyền vi khuẩn vào cây.
2.Nhận biết bệnh vàng lá gân xanh
· Trên lá: Biểu hiện đặc trưng của bệnh là phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, có màu vàng, nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn màu xanh và nhỏ, lá mọc thẳng đứng. Trên lá già, lá bị dày lên, nhám, gân lồi, sần sùi.

· Trên cành: Cành bị khô cục bộ sau đó lan rộng ra các cành khác, lá bệnh trên cành bị rụng sớm, cành bệnh trở nên trơ trụi, dần dần khô chết.

· Trên hoa, trái: Cây bệnh sẽ ra hoa trái vụ, trái nhỏ, tâm trái bị vẹo, méo mó, nhiều hạt bị lép, trái chín ngược (chín từ phía trên cuống trái chín xuống), ít nước và bị xơ, chua.
.png)
· Trên rễ: cây bị bệnh sẽ dẫn đến quá trình vận chuyển sản phẩm quang hợp (tinh bột) từ lá xuống hệ thống rễ bị ngăn cản làm rễ bị hoại tử một phần sau đó lan ra toàn bộ hệ thống rễ, cuối cùng rễ bị chết.

3.Các biện pháp phòng và chống bệnh:
- Kiểm tra vườn: Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh, vệ sinh vườn, tạo cành tỉa tán để vườn cây thông thoáng.
- Đối với giống cây trồng: sử dụng giống sạch bệnh, không dùng mắt ghép, gốc ghép, cành chiết từ những cây bệnh
- Đối với đất trồng mới: xử lý hố trồng bằng vôi bột, bón lót phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trước khi trồng, không bón quá nhiều đạm.
- Phân bón: bón phân cân đối, bón vi sinh kết hợp NPK, phun phân bón lá, giúp cây phát triển ngọn, thân, cành, lá, tăng sức chống chịu bệnh.
- Phòng trừ Rầy Chổng Cánh ( mô giới truyền bệnh):

+ Biện pháp sinh học ( khuyến khích): sử dụng bẩy dính màu vàng treo trong vườn cây vào lúc cây ra chồi lá non. Bọ rùa, nhện, ong và kiến vàng, chim ăn côn trùng bay đậu là những thiên địch của rầy chổng cánh cần được nuôi dưỡng bảo vệ để diệt rầy chổng cánh, cân bằng sinh sinh thái vườn cây

+ Sử dụng các loại thuốc trong danh mục thuốc BVTV được sử dụng, như hoạt chất Abamectin, Rotenone, Ebamectin... chất chiết xuất từ tỏi, dầu neem, nấm ký sinh, vi khuẩn Bacillus thuringiensis và các chất xua đuổi khác.
- Đối với vườn nhiễm nhẹ: cắt tỉa và tiêu hủy cành, cây bi bệnh, vệ sinh dụng cụ cắt tỉa để tranh lây lan.
- Đối với vườn nhiễm bệnh nặng: tiến hành chặt bỏ, thu gom toàn bộ cây bệnh đem thiêu hủy để tránh lây lan tren diện rộng.
Sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy vườn cây cần trồng giống sạch khôngnhiễm bệnh. Hoặc luân canh với cây trồng khác từ 2-3 năm
Trên đây là cách nhận biết và phòng chống bệnh vàng lá gân xanh trên cây ăn quả có múi của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Giáo./.