Ngày 15/5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và UBND xã An Bình tổ chức đoàn giám sát tình hình duy trì thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương.
Đoàn giám sát do bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh làm trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra 5 trong tổng số 18 hộ/cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP trên địa bàn xã. Trong đó, có 2 hộ/cơ sở đang hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn xã An Bình, chỉ có mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long là có đầu ra ổn định thông qua liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Các hộ/cơ sở còn lại vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, dẫn đến giá cả bấp bênh, chưa phản ánh đúng giá trị gia tăng của sản phẩm đạt chuẩn.

Ảnh: Bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (ở giữa) giám sát hộ kinh doanh Đinh Thị Hằng, ngụ ấp Nước Vàng, xã An Bình.
Qua giám sát thực tế, các hộ/cơ sở được kiểm tra nhìn chung vẫn duy trì việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, một nội dung bắt buộc trong quy trình VietGAP. Tuy nhiên, việc thực hiện còn thiếu đầy đủ, mang tính chất đối phó, chưa phản ánh đúng thực tế sản xuất. Đặc biệt, công tác lấy mẫu định kỳ để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, một tiêu chí quan trọng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn chưa được các hộ quan tâm đúng mức.
Tại buổi làm việc, các hộ/cơ sở cũng thẳng thắn chia sẻ nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nổi bật là tình trạng sản phẩm sau khi được chứng nhận vẫn chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, không có sự chênh lệch về giá bán so với sản phẩm chưa được chứng nhận. Điều này khiến người sản xuất chưa thấy rõ lợi ích kinh tế từ việc áp dụng quy trình kỹ thuật, dẫn đến tâm lý buông lỏng hoặc không mặn mà trong việc duy trì.
Ghi nhận những khó khăn này, bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ: “Việc các hộ còn gặp vướng mắc trong khâu tiêu thụ là thực tế cần được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn quan tâm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, sản xuất theo quy trình VietGAP vẫn là hướng đi đúng và tất yếu nếu muốn nâng cao giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Mong rằng bà con tiếp tục nỗ lực duy trì sản xuất an toàn, minh bạch và tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí đã được chứng nhận.”
Đồng thời, đề nghị UBND xã An Bình và các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Giáo tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời khuyến khích thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực đàm phán và ổn định đầu ra thông qua hợp đồng với doanh nghiệp. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về giá trị của sản phẩm VietGAP, từ đó tạo động lực ngược để thị trường và thương lái coi trọng hơn các sản phẩm đã được chứng nhận.