NGHỊ ĐỊNH 109/2018/NĐ-CP VỀ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Cập nhật ngày
24/06/2021
, Duyệt nội dung -
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 109/2018/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2018
|
NGHỊ ĐỊNH
NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật dược ngày 14 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định nông nghiệp hữu cơ.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
2. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được khuyến khích áp dụng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là cơ sở); tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.
2. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là sản xuất hữu cơ) là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
3. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là sản phẩm hữu cơ) là thực phẩm, dược liệu (bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền), mỹ phẩm và sản phẩm khác hoặc giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tại Nghị định này.
4. Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.
5. Chứng nhận sản phẩm hữu cơ là hoạt động đánh giá và xác nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ do tổ chức chứng nhận (bên thứ ba) thực hiện.
Chương II
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Điều 4. Nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ
1. Quản lý các tài nguyên (bao gồm đất, nước, không khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn.
2. Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh.
3. Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ.
4. Đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng.
5. Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Điều 5. Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ
1. TCVN về nông nghiệp hữu cơ được xây dựng, công bố và áp dụng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
2. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài:
a) Trường hợp sản xuất để xuất khẩu: cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn theo thỏa thuận, hợp đồng với tổ chức nhập khẩu;
b) Trường hợp sản xuất hoặc nhập khẩu để tiêu thụ trong nước: cơ sở có thể áp dụng tiêu chuẩn mà Việt Nam là thành viên hoặc có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được chấp thuận áp dụng tại Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan đánh giá và công bố danh sách các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được áp dụng tại Việt Nam.
3. Khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm tiêu chuẩn cơ sở.
Điều 6. Vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ
1. Vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất hữu cơ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp; thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hóc môn tăng trưởng.
2. Trường hợp sử dụng vật tư đầu vào:
a) Giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ; thức ăn chăn nuôi, thủy sản hữu cơ phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan;
b) Phân bón và chất cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật và chất kiểm soát sinh vật gây hại, chất hỗ trợ chế biến, chất phụ gia; chất làm sạch, khử trùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải được sản xuất từ các nguyên liệu và phương pháp phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.
Chương III
CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Điều 7. Tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ
1. Điều kiện đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ: Đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (gọi tắt là Nghị định 107/2016/NĐ-CP).
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động): theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
3. Hình thức, trình tự, thời gian cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 107/2016/NĐ-CP. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ để cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và quản lý hoạt động của tổ chức chứng nhận đã được cấp giấy.
Điều 8. Chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ
1. Phương thức đánh giá sản phẩm hữu cơ:
Sản phẩm hữu cơ được đánh giá phù hợp TCVN theo phương thức đánh giá, giám sát quá trình sản xuất và thử nghiệm mẫu điển hình lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường khi nghi ngờ việc sử dụng vật tư đầu vào ngoài danh mục cho phép tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt quy định, quy chuẩn kỹ thuật.
2. Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do tổ chức chứng nhận cấp theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và có giá trị trong 02 năm.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về đánh giá, giám sát sau khi cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ.
Điều 9. Chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài về nông nghiệp hữu cơ
1. Sản xuất để xuất khẩu: Sản phẩm được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận được tổ chức, quốc gia ban hành tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài thừa nhận bằng văn bản.
2. Sản xuất để tiêu thụ trong nước: Sản phẩm được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận được thừa nhận như quy định tại Khoản 1 Điều này và có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
3. Tổ chức chứng nhận nước ngoài hoặc tổ chức chứng nhận Việt Nam đã được thừa nhận có trách nhiệm:
a) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, gửi qua mạng điện tử (sau đó gửi hồ sơ bản chính hoặc bản sao chứng thực) báo cáo kết quả hoạt động chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài theo Mẫu số 7 Nghị định 107/2016/NĐ-CP cho cơ quan chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công;
b) Chấp hành kiểm tra của cơ quan chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công và bị xử phạt khi có dấu hiệu vi phạm theo quy định pháp luật.
4. Tổ chức chứng nhận được thừa nhận và có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và hướng dẫn thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 10. Kiểm tra tổ chức chứng nhận
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hoạt động của tổ chức chứng nhận có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và xử lý khi vi phạm theo quy định hiện hành.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hoạt động của tổ chức chứng nhận được thừa nhận chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
Chương IV
CÔNG BỐ TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG, GHI NHÃN, LÔ GÔ, TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM HỮU CƠ
Điều 11. Công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ
1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng:
a) Công bố tên, số hiệu tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ áp dụng và các yêu cầu khác theo quy định pháp luật;
b) Đối với mỹ phẩm hữu cơ ngoài quy định tại điểm a Khoản này phải công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
2. Ghi nhãn theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và quy định ghi nhãn thực phẩm, nhãn dược liệu, nhãn mỹ phẩm, nhãn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các quy định sau đây:
a) Việc sử dụng cụm từ “100% hữu cơ”, “hữu cơ” hoặc “sản xuất từ thành phần hữu cơ” kèm theo tỷ lệ các thành phần cấu tạo trên nhãn sản phẩm hữu cơ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ;
b) Sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ mã số giấy chứng nhận, ngày cấp, tên đầy đủ hoặc tên viết tắt, mã số của tổ chức chứng nhận;
c) Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu có nhãn không đáp ứng đầy đủ quy định tại Nghị định này thì phải có nhãn phụ theo quy định.
3. Khuyến khích sử dụng mã số, mã vạch, gắn “Nhãn xanh Việt Nam”, nhãn sinh thái trên nhãn sản phẩm hữu cơ theo quy định pháp luật.
Điều 12. Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam
1. Sản phẩm “100% hữu cơ” và sản phẩm “hữu cơ” có ít nhất 95% thành phần hữu cơ được chứng nhận phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ được mang lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Lô gô của cơ sở được sử dụng đồng thời với lô gô hữu cơ Việt Nam.
2. Sau khi được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, thì cơ sở có quyền in mẫu lô gô theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn trên bao bì sản phẩm và chịu trách nhiệm về việc sử dụng lô gô theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mẫu lô gô và quản lý sử dụng lô gô theo quy định pháp luật.
Điều 13. Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng
1. Cơ sở phải ghi chép, lưu giữ hồ sơ, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại từng công đoạn sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ.
2. Cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc trong các trường hợp sau:
a) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
b) Khi cơ sở phát hiện sản phẩm hữu cơ do mình sản xuất, kinh doanh không phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; ghi nhãn, lô gô không đúng quy định; quá hạn sử dụng hoặc hư hỏng (gọi chung là sản phẩm không đảm bảo chất lượng).
3. Sản phẩm hữu cơ phải thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Ghi nhãn, lô gô không đúng quy định;
b) Hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường;
c) Không phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
d) Bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh;
đ) Có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định;
e) Sản phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
4. Hình thức xử lý sản phẩm hữu cơ bị thu hồi:
a) Khắc phục lỗi ghi nhãn, lỗi lô gô (do in ấn sai); trường hợp ghi nhãn, lô gô chưa đúng quy định và có các vi phạm khác thì lô sản phẩm bị xử lý theo quy định tại các điểm b, c, d Khoản này;
b) Chuyển mục đích sử dụng đối với lô sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ nhưng không gây mất an toàn đối với sức khỏe, môi trường;
c) Tiêu hủy lô sản phẩm bị hư hỏng; không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có chứa chất không được phép sử dụng hoặc tác nhân gây mất an toàn đối với sức khỏe, môi trường vượt quy định, quy chuẩn kỹ thuật;
d) Tái xuất đối với lô sản phẩm hữu cơ nhập khẩu không phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc hết hạn sử dụng.
5. Trách nhiệm của cơ sở khi phát hiện sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng:
a) Xác định, thông báo lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng;
b) Yêu cầu các đại lý kinh doanh sản phẩm dừng phân phối lưu thông, báo cáo số lượng của lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị trường;
c) Tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch thu hồi và hình thức xử lý sản phẩm bị thu hồi;
d) Thực hiện thu hồi và xử lý sản phẩm bị thu hồi trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
6. Trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc của cơ sở;
b) Quyết định việc thu hồi, hình thức xử lý và thời hạn hoàn thành;
c) Kiểm tra việc thu hồi, xử lý sản phẩm bị thu hồi;
d) Xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương quy định cụ thể việc thu hồi, xử lý đối với sản phẩm hữu cơ không bảo đảm chất lượng thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
Chương V
KIỂM TRA, THỬ NGHIỆM CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM HỮU CƠ
Điều 14. Kiểm tra chất lượng sản phẩm hữu cơ
1. Trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hữu cơ theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn thực phẩm.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương quy định chi tiết về cơ quan kiểm tra, việc áp dụng phương thức kiểm tra chất lượng sản phẩm hữu cơ đối với sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
Điều 15. Quy định về thử nghiệm mẫu sản phẩm hữu cơ
1. Yêu cầu đối với người lấy mẫu, quá trình lấy mẫu thực hiện theo quy định hiện hành đối với từng sản phẩm, lĩnh vực.
2. Xác định hóa chất, phụ gia hoặc chất bảo quản ngoài danh mục cho phép sử dụng tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong sản phẩm “100% hữu cơ”:
a) Sử dụng phương pháp thử nhanh đối với những chất cụ thể theo quy định;
b) Sử dụng phương pháp phân tích tại phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm và được công nhận hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật; kết quả phân tích mẫu dương tính với chất ngoài danh mục bị coi là vi phạm.
3. Xác định giới hạn vi sinh vật gây hại, kim loại nặng có chứa trong sản phẩm hữu cơ theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm an toàn.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này đối với sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
Chương VI
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Điều 16. Ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ
1. Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành:
a) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
b) Chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn;
c) Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch;
d) Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu;
đ) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu;
e) Chính sách hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường;
g) Các chính sách có liên quan khác;
h) Trong cùng thời điểm và mục tiêu, cơ sở chỉ được lựa chọn 01 chính sách phù hợp nhất quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g Khoản này.
3. Nội dung, định mức hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo các văn bản đã được ban hành đối với các chính sách hỗ trợ nêu tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Điều 17. Một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ
1. Nội dung, định mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại);
c) Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ: định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông;
d) Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN: định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
2. Nguồn kinh phí thực hiện:
a) Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành;
b) Lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện;
c) Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
d) Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
3. Nguyên tắc hỗ trợ
a) Ngân sách trung ương hỗ trợ các dự án thuộc nhiệm vụ chi của trung ương và do cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương phê duyệt. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định hiện hành có liên quan trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính và chính sách phát triển trong từng thời kỳ. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần các địa phương khó khăn chưa tự cân đối ngân sách theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương;
b) Ngân sách địa phương hỗ trợ các dự án thuộc nhiệm vụ chi của địa phương và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn được ủy quyền phê duyệt và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ tại địa phương theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, tùy theo điều kiện thực tế, trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định ban hành chính sách hỗ trợ bổ sung ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này;
c) Đối với dự án có sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại áp dụng theo nội dung, mức hỗ trợ của nhà tài trợ quy định tại thỏa thuận tài trợ hoặc áp dụng theo mức hỗ trợ do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản dự án thống nhất; trường hợp đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về mức hỗ trợ thì áp dụng theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này.
4. Điều kiện, trình tự, thủ tục hỗ trợ:
a) Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a, c, d Khoản 1 Điều này:
Các nội dung hỗ trợ phải có trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Có cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục trong dự án được duyệt (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách, nhà nước);
Cơ sở đủ điều kiện được hỗ trợ đầu tư theo tiến độ của dự án.
Trình tự, thủ tục đề xuất, thẩm định, phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; các quy định pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông, kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu hoặc các chương trình, dự án và kinh phí khác.
b) Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này:
Doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ gửi văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ cho cơ quan chuyên môn được ủy quyền trên địa bàn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Y tế hoặc Sở Công Thương), kèm theo kết quả tự đánh giá nội bộ đạt yêu cầu TCVN về nông nghiệp hữu cơ và bản sao Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ được cấp lần đầu (đối với trường hợp đề nghị cấp lại).
Cơ quan chuyên môn được ủy quyền trên địa bàn căn cứ văn bản đề nghị và kết quả tự đánh giá nội bộ của doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ lựa chọn tổ chức chứng nhận theo quy định của pháp luật về đấu thầu và cấp kinh phí chứng nhận cho tổ chức chứng nhận trúng thầu.
5. Khuyến khích nông dân, tổ chức, cá nhân tham gia Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (Participatory Guarantee System - gọi tắt là PGS, là hệ thống dựa vào sự cùng tham gia của nông dân, người bán hàng, người tiêu dùng và những đối tượng khác có cùng quan tâm). Các tổ chức, cá nhân khi tham gia PGS được hưởng các chính sách quy định tại điểm b và c Khoản 1 Điều này.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Trách nhiệm quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ có trách nhiệm:
a) Quản lý hoạt động của các tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ; tổ chức chứng nhận được thừa nhận; cập nhật, thông báo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được chấp thuận;
b) Quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, thủy sản hữu cơ và sản phẩm hữu cơ khác thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định;
c) Hợp tác quốc tế; đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên truyền; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
d) Hàng năm, tổng hợp kinh phí hỗ trợ cho các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và nhu cầu hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong dự toán hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
2. Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh dược liệu hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, thực phẩm hữu cơ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
3. Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ và sản phẩm hữu cơ khác thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; thực hiện quản lý thị trường đối với sản phẩm hữu cơ theo quy định.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng, sửa đổi, công bố các TCVN về nông nghiệp hữu cơ theo quy định.
5. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về sản phẩm hữu cơ thuộc phạm vi quản lý.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Ban hành chính sách khuyến khích; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, dự án sản xuất hữu cơ tại địa phương;
b) Bố trí kinh phí thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ theo quy định tại Nghị định này tại địa phương;
c) Tổ chức thực hiện; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trên địa bàn theo quy định.
7. Các Hội, tổ chức nghề nghiệp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng; tham gia đào tạo, tập huấn, giám sát các hội viên sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ theo quy định pháp luật.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
Điều 20. Tổ chức thực hiện
1. Chậm nhất 6 tháng sau khi Nghị định này có hiệu lực, tổ chức chứng nhận được thừa nhận đang hoạt động tại Việt Nam phải gửi qua mạng điện tử (sau đó gửi hồ sơ bản chính hoặc bản sao chứng thực) văn bản thông báo cho cơ quan chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công: tên, địa chỉ, điện thoại, fax, email, web; tên, mã số tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được thừa nhận chứng nhận tại Việt Nam; kết quả hoạt động chứng nhận đến ngày báo cáo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).PC205
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
|
|